Nếu bạn thắc mắc về tâm lý hoặc cần tư vấn, bạn có thể nhắn tin đến các kênh dưới đây để nhận sự hỗ trợ tốt nhất.
Lưu ý, bạn cần tạo tài khoản và đăng nhập để sử dụng.
Câu hỏi về tâm lý
Câu hỏi thường gặp
- THAM VẤN - TRỊ LIỆU
- NGUYÊN TẮC NGHỀ NGHIỆP
- ĐĂNG KÝ & THANH TOÁN
- THÔNG TIN VỀ VNPSY
Tham vấn - trị liệu tâm lý là gì?
Tham vấn - trị liệu tâm lý là quá trình nhà tâm lý hỗ trợ thân chủ tự giải quyết vấn đề về cảm xúc, suy nghĩ, hành động và các mối quan hệ xã hội bằng cách trò chuyện và thực hành các liệu pháp tâm lý.
Tham vấn tâm lý thường sử dụng các kỹ thuật trò chuyện, tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể và ngắn hạn, như cảm xúc, sự căng thẳng, thói quen đơn giản, giao tiếp và mối quan hệ.
Trị liệu với nhà tâm lý (phân biệt với điều trị tâm thần hay trị liệu tâm lý với bác sĩ tâm thần) thường sử dụng các liệu pháp, tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp và lâu dài, như thế giới quan, nhân cách, thói quen phức tạp, rối loạn tâm thần và sang chấn tâm lý.
Trong thực tế, ranh giới giữa tham vấn và trị liệu tâm lý không hoàn toàn rõ ràng, nhà tâm lý thường sử dụng linh hoạt kỹ năng tham vấn và thực hành các liệu pháp để hỗ trợ thân chủ, nên gọi chung là tham vấn - trị liệu tâm lý.
Làm sao để biết liệu tôi có cần đi tham vấn - trị liệu tâm lý hay không?
Bạn có thể đi tham vấn - trị liệu tâm lý nếu bạn mong muốn:
Được chia sẻ và được lắng nghe một cách sâu sắc, trung lập, không phán xét.
Cải thiện cuộc sống, thay đổi tâm trạng, tư duy, thói quen, nâng cao kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc và xây dựng mối quan hệ.
Khám phá và phát triển bản thân, lập kế hoạch cho các mục tiêu cá nhân.
Ngoài ra, bạn nên đi tham vấn - trị liệu tâm lý nếu bạn nhận thấy, hoặc nghe người gần gũi mà bạn tin tưởng nói, rằng bạn đang có một số dấu hiệu sau:
Cảm xúc đau khổ:
Cảm xúc khó chịu như buồn bã, cô đơn, thất vọng, chán nản, lo lắng, sợ hãi, tức giận,... kéo dài hơn 02 tuần.
Tâm trạng biến đổi nhanh chóng, đột ngột, thất thường, dễ dàng trở nên buồn bực, cáu kỉnh hoặc hoảng loạn.
Mất tự chủ hành động bởi cảm xúc, khó bình tĩnh, không thể kiểm soát hành vi khi giận giữ, đau buồn hoặc căng thẳng.
Nhận thức và suy nghĩ:
Suy nghĩ tự ti về bản thân, nhận xét bi quan về tương lai và thế giới xung quanh.
Khó tập trung, giảm trí nhớ, hay quên, khó khăn để đưa ra quyết định.
Suy nghĩ về cái chết, dự định làm tổn thương bản thân hoặc người khác.
Hành vi bất lợi:
Giảm các thói quen sinh hoạt lành mạnh và gia tăng hành vi nguy cơ như lạm dụng bia rượu, chất kích thích, lái xe nguy hiểm, tự làm tổn thương hoặc gây hấn với người khác,...
Khép mình, tự cô lập, tránh tiếp xúc, nói chuyện và gặp gỡ người khác, không tham gia hoạt động xã hội.
Giảm sút hiệu quả học tập và làm việc. Hành động để cải thiện cuộc sống nhưng lười vận động, thường trì hoãn và không đạt mục tiêu.
Triệu chứng cơ thể:
Đau mỏi cơ thể, vận động chậm chạp nhưng khi thăm khám tại các cơ sở y tế thì không phát hiện tổn thương thực thể.
Rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, ăn ngủ quá nhiều hoặc quá ít, thiếu tỉnh táo, lơ mơ, ngáp nhiều, ủ rủ, xanh xao, thiếu sức sống, mắt thâm quầng,...
Bệnh tật, đau ốm, chấn thương cơ thể khiến tâm trạng đi xuống, suy nghĩ bi quan.
Lợi ích của tham vấn - trị liệu tâm lý là gì?
Tham vấn – trị liệu tâm lý mang lại nhiều lợi ích cho thân chủ, như:
Cải thiện sức khoẻ tinh thần:
Vượt qua những tổn thương tâm lý từ quá khứ.
Giảm triệu chứng trầm cảm, lo âu, căng thẳng,...
Nâng cao nhận thức về bản thân và các vấn đề tâm lý,...
Rèn luyện khả năng ứng phó và phục hồi trước những thử thách của cuộc sống.
Tăng cường sức khẻo thế chất:
Thay đổi lối sống để trở nên mạnh khoẻ.
Nâng cao chất lượng giấc ngủ và dinh dưỡng.
Cải thiện vóc dáng, ngoại hình.
Tăng cường hệ miễn dịch.
Nâng cao sức khoẻ xã hội:
Cải thiện hiệu quả học tập và làm việc.
Nâng cao kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống.
Giải quyết những mâu thuẫn và khó khăn trong gia đình và công việc.
Xây dựng và tăng cường kết nối với những mối quan hệ lành mạnh.
Phát triển bản thân:
Khám phá bản thân và phát huy những phẩm chất ưu tú.
Nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng.
Xác định đúng mục tiêu và lên kế hoạch chinh phục nó.
Đạt trạng thái cân bằng nội tâm để cảm nhận cuộc sống một cách bình yên và trọn vẹn.
Tham vấn - trị liệu tâm lý khác gì với điều trị tầm thần?
Điều trị tâm thần là quá trình bác sĩ tâm thần giúp bệnh nhân xử lý các rối loạn tâm thần bằng cách chẩn đoán, tư vấn, chỉ định sử dụng thuốc, xung điện và phẫu thuật,...
Tham vấn - trị liệu tâm lý là quá trình nhà tâm lý hỗ trợ thân chủ tự giải quyết vấn đề về cảm xúc, suy nghĩ, hành động và các mối quan hệ xã hội, bằng cách lắng nghe, trò chuyện và hướng dẫn các liệu pháp tâm lý mà không phẫu thuật, sử dụng thuốc hoặc xung điện.
Tham vấn - trị liệu tâm lý khác gì với tâm sự cùng người thân quen?
Tâm sự cùng người thân quen một cách lành mạnh có thể khiến mọi người cảm thấy thoải mái, tin tưởng, sự cảm thông và hỗ trợ. Tham vấn - trị liệu tâm lý đem lại những lợi ích tương tự nhưng hoàn toàn khác biệt về một số điểm:
Mức độ chuyên môn:
Nhà tâm lý được đào tạo bài bản về Tâm lý học, kỹ năng tham vấn tâm lý và các phương pháp trị liệu.
Nhà tâm lý đánh giá tâm lý bằng các trắc nghiệm, bộ câu hỏi phỏng vấn dựa vào các lý thuyết và bằng chứng khoa học.
Nhà tâm lý mô tả, giải thích, phân tích và dự đoán các vấn đề của thân chủ dựa vào tri thức về cảm xúc, nhận thức, hành vi, động cơ, nhu cầu, nhân cách, sự phát triển tâm lý, tâm bệnh,...
Tính bảo mật:
Nhà tâm lý phải tuân thủ nguyên tắc bảo mật và giới hạn của sự bảo mật đối với thông tin của thân chủ.
Nguyên tắc bảo mật được xác định rõ ràng và ràng buộc thông qua việc ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ.
Việc vi phạm phải chịu trách nhiệm với thân chủ, tổ chức, hội đồng nghề nghiệp hoặc theo quy định của luật pháp.
Vai trò trung lập:
Nhà tâm lý giữ vai trò trung lập và khách quan.
Nhà tâm lý không khuyên bảo, dạy dỗ, phán xét thân chủ.
Nhà tâm lý cung cấp nhiều thông tin, quan điểm khác nhau để thân chủ tham khảo và tự ra quyết định.
Kỹ năng và phương pháp:
Tham vấn - trị liệu tâm lý tập trung vào thân chủ, hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của thân chủ và giải quyết vấn đề của thân chủ.
Tham vấn - trị liệu tâm lý không chỉ là trò chuyện, mà còn bao gồm các hoạt động, bài tập và các công cụ khác nhau.
Nhà tâm lý sử dụng các phương pháp đã được khoa học hoặc thực tiễn lâm sàng chứng minh là hiệu quả.
Nếu ai đó gặp vấn đề tâm lý mà không thể tự giải quyết hoặc không nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ những người xung quanh, thì tham vấn - trị liệu tâm lý là một phương án đáng để lựa chọn.
Tham vấn - trị liệu tâm lý diễn ra như thế nào? Thân chủ phải làm gì?
Một phiên tham vấn - trị liệu tâm lý tại VNPSY kéo dài từ 60 đến 75 phút, hoạt động chủ yếu là trò chuyện về các vấn đề tâm lý của thân chủ và thực hành các liệu pháp tâm lý. Những việc thân chủ cần làm là:
Chia sẻ trung thực về cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân. Thân chủ có thể yên tâm rằng nhà tâm lý chấp nhận thân chủ vô điều kiện và không phán xét điều gì.
Thực hành các liệu pháp và bài tập về nhà theo hướng dẫn của nhà tâm lý.
Cởi mở để lắng nghe những quan điểm mới từ nhà tâm lý.
Đặt câu hỏi và yêu cầu sự trợ giúp khi cần thiết.
Số lượng phiên làm việc dành cho một ca là khác nhau đối với từng thân chủ.
Một ca tham vấn – trị liệu tâm lý lý tưởng gồm 07 giai đoạn sau:
Thiết lập mối quan hệ
Nhà tâm lý giới thiệu với thân chủ về bản thân, về dịch vụ và các nguyên tắc nghề nghiệp. Tiếp theo, nhà tâm lý hỏi chuyện thân chủ để thu thập thông tin về vấn đề, xác định những nhu cầu, mong muốn, mục tiêu của thân chủ. Sau đó, nhà tâm lý và thân chủ thảo luận để sắp xếp lịch hẹn.
Đánh giá tâm lý
Nhà tâm lý đánh giá tâm lý của thân chủ bằng cách quan sát, phỏng vấn lâm sàng, điều tra tiểu sử, sử dụng các trắc nghiệm và thang đo,...
Xác định danh sách vấn đề
Từ những thông tin thu thập được, nhà tâm lý và thân chủ cùng thảo luận về các vấn đề và mục tiêu, bao gồm:
Mục tiêu cấp thiết: Giải quyết các vấn đề đang trực tiếp ảnh hưởng đến hiện trạng của thân chủ.
Mục tiêu lâm sàng: Giảm các triệu chứng và phục hồi chức năng.
Mục tiêu chủ chốt: Giải quyết vấn đề chính gây nên những khó khăn tâm lý của thân chủ.
Mục tiêu lâu dài: Giúp thân chủ nâng cao năng lực tự ứng phó với các thách thức trong đời sống.
Mục tiêu đủ điều kiện để giải quyết: Xử lý vấn đề mà thân chủ có thể giải quyết ngay.
Lập kế hoạch hành động
Nhà tâm lý cung cấp thông tin và gợi ý các giải pháp dành cho thân chủ. Ngoài ra, thân chủ có thể tự tìm kiếm và đề xuất các ý tưởng. Từ đó, nhà tâm lý và thân chủ cùng thảo luận, phân tích, đánh giá và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với thân chủ. Sau đó, nhà tâm lý và thân chủ lập kế hoạch hành động để hiện thực hoá mục tiêu. Thân chủ là người lựa chọn giải pháp và nhà tâm lý tôn trọng quyết định của thân chủ.
Triển khai kế hoạch
Cuộc sống của thân chủ chỉ thay đổi khi thân chủ hành động. Thân chủ cần tự giác, chủ động và tích cực hành động theo kế hoạch để đạt mục tiêu tham vấn - trị liệu tâm lý.
Đánh giá hiệu quả và kết thúc
Sau khi thân chủ đã triển khai kế hoạch, nhà tâm lý và thân chủ cùng đánh giá hiệu quả của hành động, so sánh hệ quả của hành động với mục tiêu.
Nếu triển khai kế hoạch không hiệu quả, có thể quay lại từ giai đoạn 3 để thay đổi mục tiêu hoặc giai đoạn 4 để chỉnh sửa kế hoạch.
Nếu nhà tâm lý không thể tiếp tục đem lại lợi ích cho thân chủ, nên kết thúc dịch vụ và có thể tiến hành chuyển ca, tức giới thiệu thân chủ đến một chuyên gia khác phù hợp hơn.
Nếu triển khai kế hoạch đạt hiệu quả, thân chủ đạt mục tiêu, thành công giải quyết vấn đề và đủ năng lực tự ứng phó, thì việc tham vấn - trị liệu tâm lý kết thúc.
Nhà tâm lý và thân chủ rà soát lại nội dung của những lần gặp trước, tổng kết toàn bộ tiến trình và thảo luận về định hướng tương lai của thân chủ.
Nhà tâm lý thông báo với thân chủ về việc theo dõi sau khi kết thúc phiên tham vấn - trị liệu tâm lý cuối cùng. Nhà tâm lý nhắc nhở thân chủ tiếp tục áp dụng những kiến thức và kỹ năng thu nạp khi làm việc với nhà tâm lý và có thể quay lại gặp nhà tâm lý khi cần thiết.
Theo dõi sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng
Trong khoảng thời gian 06 tháng sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng, nhà tâm lý hoặc trợ lý chăm sóc khách hàng của VNPSY sẽ liên hệ với thân chủ 04 lần để theo dõi mức độ cải thiện của thân chủ:
Lần thứ 1: 14 ngày sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng.
Lần thứ 2: 06 tuần sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng.
Lần thứ 3: 03 tháng sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng.
Lần thứ 4: 06 tháng sau khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng.
Nhà tâm lý và thân chủ không tạo dựng mối quan hệ nào khác sau tối thiểu 24 tháng kể từ khi kết thúc phiên làm việc cuối cùng.
Lưu ý:
Các giai đoạn diễn ra không cố định theo số phiên làm việc.
Trong thực tế, việc tham vấn - trị liệu tâm lý có thể diễn ra khác với lý thuyết.
Thân chủ có quyền chấm dứt dịch vụ bất cứ thời điểm nào.
Một phiên tham vấn - trị liệu tâm lý kéo dài bao lâu?
Thời lượng tiêu chuẩn của một phiên tham vấn - trị liệu tâm lý tại VNPSY là từ 60 đến 75 phút.
Tần suất thân chủ gặp nhà tâm lý là bao lâu 1 lần?
Thông thường, nhà tâm lý và thân chủ gặp nhau 1 tuần/1 lần.
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào tình hình của thân chủ mà nhà tâm lý sẽ cùng thân chủ thảo luận để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất:
Trường hợp khẩn cấp: 1 tuần/2 lần.
Đạt tiến triển tốt: 2 - 3 tuần/1 lần.
Đạt kết quả tốt, sắp hoàn thành ca: 3 - 5 tuần/1 lần.
Tôi có được biết về nhà tâm lý trước khi tham vấn - trị liệu không?
Có, VNPSY sẽ gửi hồ sơ của nhà tâm lý qua hòm thư điện tử [email protected] hoặc Zalo 0876 000 598 đến bạn sau khi bạn hoàn thành thủ tục đăng ký dịch vụ.
Tôi cần chuẩn bị gì trước khi tham vấn - trị liệu tâm lý?
Bạn hãy chuẩn bị mở lòng và chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ, và trải nghiệm của bản thân. Ngoài ra, không bắt buộc phải chuẩn bị bất cứ điều gì khác.
Tuy nhiên, để phiên tham vấn - trị liệu tâm lý diễn ra thuận lợi, bạn có thể làm những việc sau:
Đọc kỹ hợp đồng và ghi chú những thắc mắc của bạn.
Xác định rõ mục tiêu tham vấn - trị liệu của bản thân.
Nhớ lại và ghi chép những thông tin quan trọng mà bạn muốn chia sẻ bởi khi tham vấn - trị liệu tâm lý, bạn có thể trải qua nhiều cảm xúc khiến bạn tạm quên mất những điều đó.
Mang theo giấy, bút hoặc công cụ ghi chép nếu bạn cần sử dụng.
Tôi cần tham vấn - trị liệu tâm lý bao lâu? Lâu dài hay chỉ 1, 2 phiên?
Thời gian của tham vấn - trị liệu tâm lý là khác nhau đối với từng thân chủ, tùy thuộc vào thực trạng, nhu cầu và mục tiêu cá nhân. Ngoài ra, thân chủ có quyền chấm dứt sử dụng dịch vụ bất cứ khi nào mà không bắt buộc phải giải thích với bất cứ ai.
Tham vấn - trị liệu tâm lý có hiệu quả hay không?
Có, về cả lý thuyết, bằng chứng khoa học và thực tế, tham vấn – trị liệu tâm lý mang lại nhiều lợi ích về cải thiện tâm trạng, nâng cao nhận thức, kỹ năng và chất lượng cuộc sống của thân chủ.
Tuy nhiên, lưu ý rằng tham vấn - trị liệu tâm lý là quá trình nỗ lực từ cả 2 chiều, từ nhà tâm lý và từ thân chủ. Nhà tâm lý của VNPSY cam kết sẽ cung cấp cho thân chủ dịch vụ chất lượng tốt nhất với toàn bộ khả năng nghề nghiệp. Cùng với đó, để việc tham vấn - trị liệu tâm lý đạt hiệu quả, thân chủ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Thân chủ thực sự có ý muốn thay đổi bản thân.
Thân chủ chân thành với chính mình và trung thực với nhà tâm lý.
Thân chủ hợp tác với nhà tâm lý, tham gia đầy đủ và đều đặn các phiên tham vấn – trị liệu tâm lý như kế hoạch đã được thống nhất giữa thân chủ và nhà tâm lý.
Thân chủ cam kết thực hành các liệu pháp tâm lý trong đời sống cá nhân và nỗ lực hành động một cách chủ động để đạt mục tiêu tham vấn – trị liệu tâm lý.